Chế tạo nước rửa chén sinh học từ vỏ trái cây, rau củ, nước và đường được thực hiện theo các bước:
1. Cắt nhỏ vỏ rau củ quả.
2. Trộn vỏ rau củ quả, đường và nước với nhau, cho hỗn hợp vào 8 /10 bình. Đóng chặt nắp bình.
3. Bảo quản bình nơi thoáng mát và khô ráo, tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp.
4. Sau 10, vặn nắp bình 1 – 2 lần / ngày để làm thoát hơi ra ngoài.
5. Trong tuần thứ 3 thỉnh thoảng vặn nhẹ nắp bình.
6. Sau 3 tháng kiểm tra hỗn hợp nếu có mùi giấm chua là thành công.
7. Lược bỏ phần bã hữu cơ và giữ lại phần nước để rửa chén.
Ngoài cách làm nước rửa chén này ra thì vẫn còn cách chế tạo nước rửa chén sinh học từ bồ hòn, nước và đường hoặc chế tạo nước rửa chén sinh học từ cám gạo cũng rất hiệu quả.
Chế tạo nước rửa chén sinh học đang là một xu hướng hiện đại góp phần bảo vệ môi trường. Ngay tại nhà, bạn cũng có thể sở hữu một sản phẩm nước rửa chén sinh học. CleaniS sẽ chia sẻ cho bạn một số công thức chế tạo nước rửa chén sinh học lý tưởng nhé!
Nội Dung Bài Viết
Nước rửa chén sinh học là gì?
Nước rửa chén sinh học là một loại chất tẩy rửa được sản xuất dựa trên các nghiên cứu về công nghệ sinh học. Đặc biệt sử dụng enzyme cleaner (men thực vật) như là một chất hoạt động bề mặt với chức năng phân hủy sinh học cao.
Nổi bật là enzyme lipase để phá vỡ các cấu trúc của chất béo và dầu thành những axit béo. Enzyme amylase phân tách carbohydrate thành đường đơn, giúp loại bỏ tinh bột. Bên cạnh đó còn có enzyme protease là chất xúc tác với công dụng làm sạch protein.
Đồng thời, enzyme cleaner còn phá vỡ các màng sinh học (biofilm), là nơi tồn tại của các vi sinh vật. Giúp cho chén đĩa của bạn có thể sạch vi khuẩn và các loại virus gây bệnh.
Để chế tạo nước rửa chén sinh học, các enzyme này sẽ kết hợp đồng thời với các tinh dầu có công dụng làm sạch như cam, chanh hay là muối biển. Giúp quá trình rửa chén được thuận lợi hơn và mang mùi hương dễ chịu.
Các cách chế tạo nước rửa chén sinh học tại nhà
Chế tạo nước rửa chén sinh học thực chất là quá trình lên men của các nguyên liệu hữu cơ, giúp tạo ra các enzyme sinh học. Chính nhờ các enzyme này sẽ giúp đánh bật vết bẩn, làm sạch chén đĩa và kháng khuẩn. Chế tạo nước rửa chén sinh học mang lại nhiều lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Đây có thể xem như cách tái chế các nguyên liệu từ thiên nhiên. Với công nghệ sinh học không có gì là bỏ đi.
1. Chế tạo nước rửa chén sinh học từ vỏ trái cây, rau củ (rác hữu cơ), nước và đường
Nguyên liệu cần chuẩn bị theo tỷ lệ 1:3:10 gồm có:
- Vỏ trái cây và rau củ tươi: 3 kg
- Đường (đường tán, hoặc đường nâu): 1 kg
- Nước sạch: 10 lít
- Bình đựng bằng nhựa có nắp đậy kín (không nên dùng bình thủy tinh vì quá trình lên men tạo ra hơi gas, sẽ không chịu được áp lực lớn).
Các bước thực hiện để chế tạo nước rửa chén sinh học:
- Bước 1: Cắt nhỏ vỏ rau củ quả (rác hữu cơ) để quá trình phân hủy sinh học được diễn ra nhanh hơn.
- Bước 2: Trộn hỗn hợp gồm rác hữu cơ, đường và nước sau đó cho vào bình (chỉ sử dụng 8/10 thể tích của bình). Đóng chặt nắp bình.
- Bước 3: Bảo quản bình chứa ở nên thoáng mát và khô ráo, hạn chế ánh sáng trực tiếp từ mặt trời.
- Bước 4: Sau 10 ngày, hãy vặn nắp bình từ 1-2 lần/ngày để làm thoát hơi ra ngoài. Đẩy các lớp rác hữu cơ lên xuống.
- Bước 5: Trong tuần thứ 3 thỉnh thoảng vặn nhẹ nắp bình.
- Bước 6: Sau 3 tháng kiểm tra hỗn hợp nếu có mùi giấm chua là thành công.
- Bước 7: Lược bỏ phần bã hữu cơ và giữ lại phần nước để rửa chén.
Chế tạo nước rửa chén sinh học từ công thức này cần lưu ý:
- Không loại bỏ lớp vi sinh vật trên bề mặt trong quá trình lên men (chúng thường có màu trắng, đen hoặc nâu)
- Thêm đường để tạo chất xúc tác lên men nếu hỗn hợp bốc mùi hôi và chuyển thành màu đen. Đừng quá lo lắng vì đường sẽ giúp dung dịch lên men trở lại.
- Sau khi chế tạo nước rửa chén sinh học thành công, cần nhớ thường xuyên mở nắp để thoát khí.
- Không bảo quản dung dịch nước rửa chén sinh học này trong tủ lạnh.
- Thời hạn sử dụng của enzyme sinh học từ rác hữu cơ là lâu dài.
- Phần bả được xem là mẻ men, có thể dùng cho lần tiếp theo hoặc sử dụng để làm phân bón.
2. Chế tạo nước rửa chén sinh học từ bồ hòn, nước và đường
Chuẩn bị nguyên liệu để làm nước rửa chén:
- Bồ hòn : 1,5 kg
- Nước: 5 lít
- Đường thô: 0,5 kg
- Thêm vỏ bưởi (hương liệu giúp tăng thêm mùi thơm dễ chịu)
- Thùng, bình chứa bằng nhựa có nắp đậy: từ 8 đến 10 lít
Chế tạo nước rửa chén sinh học với bồ hòn gồm 6 bước sau:
- Bước 1: Rửa sạch bồ hòn, vỏ bưởi cùng dụng cụ đựng hỗn hợp.
- Bước 2: Hòa tan đường và nước trong thùng/bình chứa. Sau đó cho bồ hòn với vỏ bưởi vào trộn đều.
- Bước 3: Đậy nắp bình chứa. Đối với thùng nhựa có thể đặt một cái rá ở trên bồ hò sau đó dùng vải mùng trùm lên và đậy nắp. Điều này giúp bồ hòn chìm xuống mặt nước.
- Bước 4: Bảo quản hỗn hợp ở nên thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp.
- Bước 5: Sau 1 tháng có thể đậy kín nắp bình/thùng. Quá trình phân hủy sinh học sẽ tạo ra con men (giống con giấm) nhưng dày hơn và có màu trắng ngà ngà đục.
- Bước 6: Sau 3 tháng lọc lấy phần nước để sử dụng làm nước rửa chén.
Lưu ý khi chế tạo nước rửa chén từ bồ hòn:
- Sử dụng nước vo gạo sẽ làm quá trình lên men được diễn ra nhanh hơn.
- Thời gian sử dụng của dung dịch là khoảng 1 năm. Nếu không có vỏ bưởi bạn có thể dùng trong 2 năm.
- Không sử dụng bình thủy tinh vì trong quá trình lên men có thể gây nổ bình.
Hai công thức trên được áp dụng nhằm tạo ra enzyme thân thiện với môi trường. Dự án được phát triển bởi Tiến sĩ người Thái Lan Rosukon Poompanvong. Với kinh nghiệm hơn 30 năm nghiên cứu của mình, bà ấy đã giúp mọi người tạo ra được enzyme từ rác hữu cơ tươi. Là người đặt nền móng cho hầu hết các sản phẩm sản xuất theo công nghệ sinh học.
3. Chế tạo nước rửa chén sinh học từ cám gạo
Trong cám gạo có chứa enzyme lipase có thể phân hủy dầu thành axit béo và glycerol. Đồng thời, với việc có chứa vitamin E và các chất chống oxy hóa như tocotrienols, tocopherols, và oryzanol; cám gạo dịu nhẹ với da tay. Sau đây, Cleanis sẽ bật mí bí quyết đơn giản để chế tạo nước rửa chén sinh học này:
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- Cám gạo: 3 muỗng canh
- Nước: 250 ml
- Chai: 1 cái
Công đoạn thực hiện:
- Bước 1: Cho cám gạo vào chai đựng dung dịch với liều lượng đã chuẩn bị.
- Bước 2: Với lượng cám gạo ấy cho khoảng 250ml nước vào chai.
- Bước 3: Lắc đều để hòa tan cám gạo vào trong nước, dung dịch sẽ chuyển thành màu vàng đục và có thể sử dụng trong thời gian dưới 1 tuần.
7 ưu điểm của việc chế tạo nước rửa chén sinh học
- Nước rửa chén sinh học an toàn với người sử dụng, tốt cho môi trường sống.
- Bên cạnh khả năng tẩy rửa vết bẩn chén đĩa, dung dịch sinh học này có thể làm sạch đường ống thoát nước và cống nhà vệ sinh, xua đuổi muỗi.
- Chế tạo nước rửa chén sinh học sẽ giúp bạn tiết kiệm nước.
- Trong thành phần của nước rửa chén sinh học được chế tạo tại nhà có chứa nhiều chất dinh dưỡng, giúp da tay của bạn mịn màng, không bị khô ráp. Nước rửa chén sinh học mang lại sự yên tâm cho những làn da nhạy cảm.
- Các phế phẩm tươi từ vỏ rau củ quả không bị bỏ phí.
- Nước thải từ quá trình rửa chén không gây hại cho các loại sinh vật dưới nước. Đồng thời không làm ăn mòn các dụng cụ như là bồn nước rửa chén, ống thoát nước bồn rửa chén và vòi nước rửa chén.
- Chế tạo nước rửa chén sinh học (nước rửa chén bằng chanh, nước rửa chén từ vỏ dứa,…) tạo ra một quá trình tuần hoàn khép kín. Các sản phẩm được tạo ra đều có khả năng tái sử dụng. Không tạo ra rác thải thứ cấp: phần bã dùng làm phân bón, cải tạo đất hoặc làm mẻ men.
Một số hạn chế của nước rửa chén sinh học:
- Tốn khá nhiều thời gian khi chế tạo nước rửa chén sinh học tại nhà.
- Do việc tạo bọt ít nên liều lượng sử dụng của nước rửa chén khá nhiều, tính tẩy vẫn chưa cao.
- Khả năng tiếp cận người dùng còn ít vì nước rửa chén sinh học có giá thành khá cao.
- Thời gian sử dụng của một số sản phẩm từ việc chế tạo nước rửa chén tại nhà khá ngắn.
- Mùi hương của nước rửa chén sinh học chỉ thoang thoảng, không đậm mùi như các sản phẩm trên thị trường.