Khủng hoảng tuổi lên 2 xảy ra khi trẻ ở giai đoạn hoàn thiện các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống sau này. Các biểu hiện của sự khủng hoảng ở trẻ bao gồm:
- Bộc lộ cảm xúc
- Thường nói “không”
- Tự ý làm mọi thứ theo cách riêng của bản thân
- Khó kiểm soát cảm xúc
- Tranh giành sự sở hữu
- Trẻ thức giấc vào ban đêm
- Biếng ăn
- Thói quen ném đồ đạc
Nội Dung Bài Viết
Khủng hoảng tuổi lên 2 là gì?
Khủng hoảng tuổi lên 2 (Terrible Twos) là một giai đoạn giúp trẻ phát triển toàn diện hơn và xảy ra ở mọi bé. Trong giai đoạn này, các bé sẽ có những hành vi và tâm lý bất thường, chẳng hạn như: các cơn giận dữ vô cớ xảy ra thường xuyên, trẻ bướng bỉnh, có hành vi mang tính bạo lực, thách thức người lớn, mong muốn được nuông chiều theo sở thích hoặc ăn vạ, khóc đêm, biếng ăn…
5 nguyên nhân xảy ra tình trạng khủng hoảng ở trẻ lên 2
Việc muốn mình khám phá những môi trường xung quanh, tự làm mọi thứ theo cách riêng của bản thân bé sẽ dẫn đến tình trạng khủng hoảng tuổi lên 2 ở trẻ. Thời kỳ này, bé thường xuất hiện những hành vi thách thức: như thường xuyên nói không, đánh, đá, cắn hoặc gạt bỏ đi những nguyên tắc mà ba mẹ đã dạy trẻ trước đó.
Dưới đây là 5 nguyên nhân cụ thể dẫn đến khủng hoảng tuổi lên 2 ở trẻ:
1. Thay đổi tâm sinh lý
Trong giai đoạn từ 0 – 3 tuổi, các bé thường thay đổi và phát triển nhanh về các mặt cảm xúc, các bé thường muốn được yêu thương, tôn trọng, thấu hiểu, được nâng niu, bảo vệ và nhận được sự thấu hiểu, chấp nhận từ ba mẹ. Để trẻ được phát triển toàn diện, độc lập và tư duy tốt hơn, nhiều bậc phụ huynh thường áp dụng phương pháp Montessori trong việc giáo dục trẻ tại nhà.
2. Nhu cầu thể hiện bản thân
Nhu cầu thể hiện bản thân cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng khủng hoảng tuổi lên 2 ở trẻ. Trong thời điểm này, trẻ luôn muốn thể hiện suy nghĩ riêng của bản thân qua lời nói nhưng việc hạn chế vốn từ khiến trẻ khó có thể diễn đạt tốt mọi thứ.
Nếu ba mẹ không dành nhiều thời gian thấu hiểu những suy nghĩ, ý muốn và hỗ trợ các bé trong các vấn đề cuộc sống, sẽ khiến trẻ bị khủng hoảng với chính bản thân và những người xung quanh.
3. Không biết cách thể hiện nhu cầu
Việc khủng hoảng tuổi lên 2 cũng xuất phát từ thể chất và cảm xúc của các bé chưa được hoàn thiện, khiến trẻ không thể tự giải quyết được vấn đề của bản thân, dễ thất vọng khi gặp khó khăn, khó giao tiếp hoặc kết nối với mọi người xung quanh.
4. Nhu cầu độc lập
Mỗi ngày, các bé sẽ được học hỏi và trau dồi thêm nhiều kỹ năng sống, khả năng mới và mong muốn được trải nghiệm nhiều hơn. Đôi khi, những điều này có thể khiến trẻ có tính phản đối những điều mà ba mẹ đã dạy và hướng dẫn trước đây như nắm tay ba mẹ khi qua đường, giúp đỡ các bé khi leo cầu thang…
Các nhà tâm lý học cũng đã từng khẳng định việc khủng hoảng tuổi lên 2 cũng là một cách cho bé trải nghiệm, khẳng định được sự độc lập, biết học cách truyền đạt mong muốn, nhu cầu của bản thân cũng như biết cách nhận biết nhu cầu của người khác.
5. Thể hiện tính sở hữu
Trong giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2, các bé thường có tính sở hữu cao, trở nên nhạy cảm với bất kỳ ai xâm phạm đến lãnh thổ hoặc những món đồ chơi, đồ ăn yêu thích của các bé. Do vậy, ba mẹ cần đặc biệt chăm sóc và nhiệt tình hướng dẫn trẻ cách kiểm soát cảm xúc cũng như áp dụng các phương pháp dạy con hiệu quả hơn.
Quá trình diễn ra tình trạng khủng hoảng ở bé
Quá trình diễn ra tình trạng khủng hoảng tuổi lên 2 không chỉ xảy ra khi bé vừa bước sang tuổi thứ 2 mà có thể bắt đầu khi bé trong giai đoạn từ 18 tháng đến 30 tháng tuổi hoặc kéo dài đến khi bé 3 tuổi hoặc lâu hơn, tùy thuộc vào môi trường sống của trẻ.
Đến khi các bé nhận thức được những hành động của bản thân, biết cách truyền đạt ý muốn tới mọi người xung quanh hoặc hiểu rõ các quy tắc, biết cách kiểm soát cảm xúc thì sự khủng hoảng tuổi lên 2 sẽ giảm dần. Tuy nhiên, mỗi đứa trẻ có từng tốc độ phát triển khác nhau nên rất khó để có thể khẳng định cụ thể khoảng thời gian chấm dứt sự khủng hoảng tuổi lên 2 ở từng trẻ.
Các dấu hiệu nhận biết khủng hoảng tuổi lên 2
Các dấu hiệu khủng hoảng tuổi lên 2 của các bé thường không giống nhau, tuy nhiên ba mẹ vẫn có thể nhận biết qua một số hành vi sau:
- Thường xuyên tức giận, thay đổi tâm trạng đột ngột
- La hét, khóc lóc hoặc ăn vạ khi không hài lòng
- Đánh, đá, khạc nhổ hoặc cắn khi tức giận
- Cãi hoặc đánh nhau với anh, chị, em hoặc bạn bè
Những dấu hiệu khi trẻ bị khủng hoảng tuổi lên 2 thường không gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất hoặc sự phát triển bình thường của các bé. Tuy nhiên, ba mẹ cần chú ý phân biệt các dấu hiệu trên với các hành vi bất thường của trẻ. Ba mẹ cần đưa bé đi khám ngay khi xuất hiện các hành vi bất thường như sau:
- Bé thường xuyên giận dữ đến mức tự làm tổn thương chính mình.
- Cơn giận của bé kéo dài quá 25 phút.
- Bé không thể bình tĩnh sau mỗi lần nổi nóng hoặc tức giận.
- Bé nổi giận quá nhiều lần trong ngày, khoảng 10 đến 20 lần và có hành vi hung hăng, bạo lực hoặc làm tổn thương người khác.
1. Bộc lộ cảm xúc dữ dội
Biểu hiện dễ nhận ra nhất ở những đứa trẻ bị khủng hoảng tuổi lên 2 chính là sự phản ứng, bộc lộ cảm xúc dữ dội như khóc nhè, gào thét hoặc nằm ăn vạ mà không có bất kỳ lý do đặc biệt nào.
Đôi khi, những lý do khiến trẻ khóc lóc và phản ứng dữ dội không rõ nguyên nhân cũng có thể khiến ba mẹ hoang mang. Tuy nhiên, những phản ứng này đều được hình thành do sự phát triển trí thông minh của trẻ và nhận thức của các bé về những hành động mà các bé không thể thực hiện hoặc không biết biểu đạt suy nghĩ bằng lời nói với mọi người xung quanh. Theo tâm lý học, biểu hiện của sự khủng hoảng tuổi lên 2 này còn được gọi là sự mâu thuẫn giữa năng lực và nhu cầu của các bé.
2. Thường nói “không”
Thường xuyên nói “không” suốt cả ngày cũng là một trong những biểu hiện của trẻ bị khủng hoảng tuổi lên 2. Đôi khi, những từ “không” mà các con nói ra chưa chắc thể hiện cho sự từ chối, mang nghĩa phủ định mà chỉ mong muốn gây sự chú ý từ phía ba mẹ.
Một số lý do dẫn đến việc bé nói không là do các bé phát hiện ra những phản ứng hoặc cảm xúc mạnh mẽ của bố mẹ trong quá trình tương tác với trẻ, khiến các bé cảm thấy thú vị và thích thú với điều này.
3. Tự ý làm mọi thứ theo cách riêng của bản thân trẻ
Trong giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2, trẻ thường có sở thích làm mọi thứ theo cách riêng của bản thân mà bỏ qua những tiêu chuẩn hoặc sự hướng dẫn của ba mẹ. Điều này cũng chứng minh cho việc trẻ có thể tự lập và phát triển các kỹ năng tốt hơn.
4. Khó kiểm soát cảm xúc
Khó kiểm soát cảm xúc là biểu hiện phổ biến nhất trong quá trình khủng hoảng tuổi lên 2 ở trẻ. Các bé thường có sự thay đổi cảm xúc rất lớn như cực kỳ vui vẻ hoặc cực kỳ buồn bã.
Đôi khi, trẻ có thể thay đổi cảm xúc bất ngờ và lẫn lộn, khiến cho việc kiểm soát cảm xúc của bản thân trở nên khó khăn hơn. Sự bộc lộ cảm xúc của từng bé sẽ khác nhau theo tính cách của trẻ như ăn vạ, cáu gắt, ném đồ đạc, đá hoặc cắn mọi người xung quanh.
5. Tranh giành sự sở hữu
Khi bắt đầu bước qua giai đoạn 2 tuổi, các bé sẽ học được khái niệm “của tôi” và chưa ý thức được việc chia sẻ cho bất kỳ ai xung quanh. Bé sẽ có những hành động bạo lực hoặc la hét, khóc để tranh giành với những người khác các món đồ mà bé cho rằng thuộc về bản thân mình.
Đây là một trong những biểu hiện khủng hoảng tuổi lên 2 hoàn toàn bình thường, dễ dàng bắt gặp ở bất kỳ trẻ nhỏ nào. Điều này sẽ giúp trẻ phát triển được sự linh hoạt, thông minh và có ý thức cao về bản thân.
6. Trẻ thức giấc vào ban đêm
Việc tỉnh giấc hoặc quấy khóc vào ban đêm cũng là một trong những hiện tượng trẻ đang trong giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2. Điều này thường xảy ra do những cảm xúc mạnh mẽ mà trẻ đã tiếp nhận vào ban ngày như sự phấn khích, sợ hãi, quá vui hoặc quá buồn…
7. Biếng ăn
Biếng ăn là một trong những biểu hiện khủng hoảng tuổi lên 2 mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng trải qua. Nguyên nhân gây ra tình trạng khủng hoảng này có thể là do quá trình thay đổi khẩu phần ăn, thực đơn hoặc cai sữa đột ngột, trẻ cảm thấy mệt mỏi, mọc răng hoặc mê chơi mà không muốn ăn.
8. Thói quen ném đồ đạc
Ném đồ đạc là biểu hiện khủng hoảng tuổi lên 2 trong giai đoạn phát triển phối hợp tay và mắt ở trẻ. Thông thường, các bé sẽ có xu hướng ném những món đồ vật có sẵn trên tay hoặc ở gần trẻ nhất.
Cách quan tâm trẻ khi trẻ gặp khủng hoảng tuổi lên 2
1. Đánh lạc hướng trong các cuộc khủng hoảng của trẻ
Khi trẻ tìm cách gào khóc hoặc ăn vạ để đòi hỏi bất cứ điều gì mà người khác không cung cấp cho mình thì ba mẹ có thể sử dụng phương pháp phân tích và tương tác để đánh lạc hướng sự khủng hoảng tuổi lên 2 của các con. Sự bình tĩnh lắng nghe và phân tích chậm rãi vấn đề của ba mẹ sẽ khiến cho các con cảm nhận được sự đồng cảm, lắng nghe và được công nhận.
2. Cho các con đưa ra sự lựa chọn trong phạm vi giới hạn
Việc cho trẻ có quyền đưa ra sự lựa chọn trong phạm vi giới hạn như lựa chọn trang phục, lựa chọn món ăn… mà ba mẹ đã phân loại trước đó sẽ nhận được sự hợp tác từ các bé. Đây cũng là một hình thức được áp dụng trong trong các cách dạy trẻ tự lập. Lưu ý rằng ba mẹ nên áp dụng kỷ luật không đòn roi trong phương pháp giáo dục trẻ, tránh trường hợp trẻ chống đối hoặc tác dụng ngược.
3. Dạy bé biết cách phát triển các kỹ năng của bản thân
Dạy trẻ phát triển các kỹ năng của bản thân thông qua chương trình giáo dục trẻ sớm, các trò chơi sáng tạo, đồ chơi giáo dục sớm cũng là một cách đối phó với sự khủng hoảng tuổi lên 2 hiệu quả. Ba mẹ cần nhìn nhận tính cách, cá tính và cảm xúc nổi bật của các con trước khi áp dụng mục đích dạy trẻ, để các con có thể tiếp thu nhanh và tốt nhất.
4. Dạy bé phát triển ngôn ngữ
Khi thiếu ngôn ngữ, các bé sẽ dễ trở nên cáu gắt và bực bội trong giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2. Do vậy, việc phát triển ngôn ngữ ở trẻ sẽ giúp cho các bé bộc lộ được mong muốn, hy vọng của bản thân.
5. Dạy bé cách thể hiện cảm xúc
Cảm xúc được hình thành từ sự phát triển của ngôn ngữ và sự hiểu biết của trẻ nhỏ về ngôn ngữ, từ vựng. Do vậy, ba mẹ cần giúp trẻ tự tin và dạy trẻ cách thể hiện cảm xúc như hài lòng, vui vẻ, hạnh phúc, thoải mái hoặc tức giận bằng lời nói thay vì các hành động bộc phát không tốt như ném đồ vật.
6. Để trẻ tự suy nghĩ và khuyến khích sự độc lập của các bé
Để trẻ tự suy nghĩ và khuyến khích sự độc lập của các bé cũng là một trong những chiến lược đối phó với các cơn khủng hoảng tuổi lên 2 của trẻ hiệu quả.
Ba mẹ nên cho trẻ tự suy nghĩ về những lần trẻ ăn vạ hoặc khóc lóc vô cớ với ba mẹ, để trẻ tự rút ra được những kinh nghiệm cũng như kết quả của các trận ăn vạ không tốt như trẻ nghĩ, lâu dần trẻ sẽ có được sự độc lập trong việc biểu đạt và bày tỏ suy nghĩ, mong muốn của bản thân trẻ.
7. Cho phép bé tự chuẩn bị đồ dùng cá nhân
Việc cho phép con tự chuẩn bị đồ dùng cá nhân cho việc đi học hoặc đi chơi cũng là một trong các cách giúp con giảm đi triệu chứng khủng hoảng tuổi lên 2. Ba mẹ sẽ cho bé chuẩn bị những món đồ vật đơn giản như quần áo, tập bút hoặc các món đồ chơi cần thiết, giúp trẻ phát triển được khả năng tự lập tốt hơn trong tương lai.
Hy vọng những chia sẻ của CleaniS về cách nhận biết và cách đối phó sự khủng hoảng tuổi lên 2 ở trẻ sẽ cung cấp được cho bạn nguồn thông tin hữu ích trong quá trình nuôi dạy các con.